Giải các bài toán hóa học: Khi giải toán nên tóm tắt đầu bài dưới dạng sơ đồ, ghi đầy đủ các dữ kiện. Có thể viết ra giấy nháp rồi dùng bút dạ tô đậm các dữ kiện quan trọng. Điều này rất cần thiết vì nó giúp cho thí sinh bao quát toàn bộ nội dung bài toán, dễ tìm ra được hướng đi và các bước thực hiện kế tiếp. Sau khi tính toán xong nên kiểm tra lại.
Một số bài toán các câu hỏi độc lập với nhau, không làm được câu trước, hãy thử làm câu sau, không nên thấy câu đầu khó đã vội bỏ. Cách trình bày bài thi: Nên trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát, không diễn đạt dông dài. Các phương trình, hệ phương trình nói chung không cần phải giải chi tiết vào giấy thi mà chỉ cần nêu kết quả như: “Giải hệ phương trình này ta được ...”.
Hạn chế tối đa việc trình bày lặp đi lặp lại, dang dở hết câu này sang câu khác dẫn đến tình trạng lộn xộn làm người chấm bực mình (qua cách trình bày, người chấm rất dễ đánh giá trình độ của thí sinh). Giữa các câu, các ý nhỏ của câu nên trình bày sao cho người chấm phân biệt được rõ ràng. Không nên viết liền các câu như một bài văn mà nên xuống dòng, tách riêng từng ý để giám khảo dễ chấm, không bị bỏ sót. Tận dụng tối đa các thuật ngữ thông thường vẫn dùng trong sách giáo khoa. Các bài toán có nhiều phương trình phản ứng nên đánh số để tiện sử dụng. Với phản ứng các chất hữu cơ có liên quan đến cấu tạo thì phải viết dưới dạng công thức cấu tạo thu gọn.