Để làm bài đạt hiệu quả cao nhất, thí sinh cần có tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Như thế, những ngày gần thi chỉ nên học vừa phải, đọc kỹ những điểm hay quên. Không nên dùng chất kích thích như trà, cà phê để thức khuya học bài. Không nên thức quá 23h30". Tập dậy sớm vào buổi sáng để đến ngày thi có thể tự dậy. Một sự thức dậy miễn cưỡng sẽ làm thân thể và tinh thần mệt mỏi, không kịp chuẩn bị tâm lý để thi.
Cấu trúc một đề thi bao giờ cũng có những câu dễ, khó xen kẽ nhau. Khi nhận được đề thi, trước tiên phải đọc thật kỹ. Sau đó, phân loại những câu nào đối với mình là quen thuộc, thấy được phương pháp giải rồi thì làm trước. Trong trường hợp thí sinh cảm thấy câu đó quen nhưng chỉ làm được một phần, sau không làm nổi nữa thì nên dừng lại. Hãy chuyển sang một câu khác.
Nhiều bạn sẽ băn khoăn là có nên chừa khoảng trống, lát nữa sẽ quay lại làm sau không. Không nên chừa trống, hãy chấm câu và xuống hàng viết đề mục khác để thực hiện. Việc tạo khoảng trống trên bài thi sẽ gây phản cảm - ức chế tâm lý đối với người chấm. Nếu câu nào thí sinh không giải được hết nhưng có ý tưởng thì cũng nên viết tất cả vào.
Nếu có vẽ đồ thị, hình bằng bút chì thì phải nhớ tô lại bằng bút mực, nếu không hình minh họa của bạn có thể bị xem như không có. Không đóng khung, gạch dưới hay bất cứ ký hiệu nào khác lạ trên bài thi. Để khẳng định kết quả, sau mỗi câu nên kết luận bằng cách xuống hàng thụt đầu dòng.
Trong môn toán, bao giờ cũng có một bài hình không gian, nên vẽ hình trước và thể hiện hình càng rõ càng tốt. Cố gắng căn trang giấy để đặt hình ở vị trí dễ nhìn, đồng thời có thể đối xứng với lời giải. Khi sử dụng giấy nháp cũng cần nháp một cách rõ ràng, mạch lạc theo trình tự để kiểm tra lại dễ dàng